Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện giảng dạy chương trình 2018 ở lớp 7 với 3 bộ sách giáo khoa khác nhau.
Sau nửa học kỳ đầu tiên, chúng tôi nhận thấy một số điều băn khoăn đối với sách Ngữ văn 7 (bộ Chân trời sáng tạo) do tác giả Nguyễn Thị Hồng Nam và Nguyễn Thành Thi làm đồng Chủ biên.
Những văn bản văn học được các tác giả đưa vào sách giáo khoa ít mà chưa thực sự hay nên “chất văn” trong sách giáo khoa Ngữ văn chưa nhiều. Một số phần, sách giáo khoa Ngữ văn 7 in cỡ chữ quá nhỏ, quá dày khiến học sinh và giáo viên rất khó đọc.
Một số bài học khi sử dụng hình ảnh tác giả chưa thực sự khoa học và có cả những chủ đề phần đọc một đường, phần viết hướng dẫn một nẻo nên không tạo được tính liên kết cho chủ đề. Chúng tôi xin mạn phép điểm qua một số băn khoăn ở sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập I.
Sách Ngữ văn 7 - bộ sách Chân trời sáng tạo. Ảnh: Nguyễn Đăng |
“Chất văn” trong sách giáo khoa Ngữ văn 7
Sách Ngữ văn 7, tập I (bộ sách Chân trời sáng tạo) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được thiết kế thành 5 bài học (chủ đề) khác nhau.
Mỗi bài học đều hướng tới các hoạt động đọc, viết, nói và nghe. Phần đọc được bố trí 4 văn bản tương đương với yêu cầu cần đạt đã được hướng dẫn ở chương trình tổng thể và chương trình môn học. Đó là: đọc hiểu nội dung; đọc hiểu hình thức; liên hệ, so sánh, kết nối; đọc mở rộng. Sau đó, đến phần viết; phần nói và nghe.
Tập I- sách giáo khoa Ngữ văn 7 có 5 bài học. Bài 1: Tiếng nói của vạn vật (thơ bốn chữ, năm chữ); bài 2: Bài học cuộc sống (truyện ngụ ngôn); bài 3: Những góc nhìn văn chương (nghị luận văn học); bài 4: Quà tặng cuộc sống (tản văn, tùy bút); bài 5: Từng bước hoàn thiện bản thân (văn bản thông tin).
Nhìn chung, đa phần các văn bản ở tập I - sách giáo khoa Ngữ văn 7 là những văn bản mới, tính kế thừa sách Ngữ văn 7 của chương trình 2006 rất ít.
Những văn bản kế thừa từ chương trình 2006, chúng tôi chỉ thấy ở phần thơ có bài Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh đang được dạy ở lớp 9 và một số truyện ngụ ngôn ở lớp 6. Những văn bản văn học ở tập I, sách giáo khoa Ngữ văn 7 chương trình 2006 gần như vắng bóng trong chương trình Ngữ văn 7 - chương trình 2018.
Về cơ bản, các chủ đề trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 bám sát chương trình tổng thể, chương trình môn học nhưng theo quan điểm của người viết, việc lựa chọn các văn bản văn học đưa vào các chủ đề rất ít những văn bản thực sự hay, tiêu biểu như trước đây.
Mục tiêu chương trình, mục tiêu từng bài học và khi giáo viên tập huấn với các tác giả sách giáo khoa lớp 7 là không phân tích sâu về nội dung, nghệ thuật như chương trình 2006 mà chủ yếu rèn cho học sinh các kĩ năng: “đọc, viết, nói và nghe”.
Thế nhưng, sách giáo khoa lại đưa vào phần viết một số bài văn mẫu của các chuyên lại hướng tới việc phân tích, bình giảng khá kĩ về nội dung, nghệ thuật. Chẳng hạn, bài “Hình ảnh hoa sen trong bài ca dao trong đầm gì đẹp bằng sen” của tác giả Hoàng Tiến Tựu là một ví dụ.
Nhiều giáo viên đang dạy Văn 7 cho rằng sách giáo khoa mới có phần khô khan, xơ cứng, đặc trưng của môn học bị mai một. Bởi, cho dù ai cũng biết tình trạng đuối nước của học sinh vẫn thường xảy ra ở nhiều nơi nhưng môn Ngữ văn mà đưa bài “Phòng tránh đuối nước” vào để dạy và học thì e là khiên cưỡng, chưa thực sự hợp lý với tính chất của môn Văn.
Cỡ chữ nhỏ, hình ảnh và tiểu sử tác giả văn học đặt ở vị trí dễ gây hiểu lầm
Một số bài học có cỡ chữ nhỏ li ti, rất khó đọc (Ảnh: Nguyễn Đăng) |
Học sinh bây giờ cận thị khá nhiều và tất nhiên nó được bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không đơn thuần là do học sinh đọc sách.
Thế nhưng, sách giáo khoa môn Ngữ văn của mỗi lớp viết ra sẽ có hàng triệu học sinh đọc, học hàng chục năm trời mới thay chương trình, sách giáo khoa khác.
Vì vậy, khi biên soạn, thiết kế và phát hành sách giáo khoa thì những người biên soạn, biên tập phải chú ý đến cách trình bày, cỡ chữ để học sinh không phải căng mắt, sát mắt để đọc những dòng chữ li ti dày đặc trong sách giáo khoa.
Sách giáo khoa môn Ngữ văn thường rất nhiều chữ và tất nhiên là giáo viên và học sinh phải đọc, nhất là những phần chữ nhỏ ở sách giáo khoa Ngữ văn 7 (bộ sách Chân trời sáng tạo) thường là những nội dung quan trọng.
Đó là phần hướng dẫn sử dụng sách; phần viết - hướng dẫn phân tích kiểu văn bản phải đọc nhiều lần nên việc chữ quá nhỏ rất dễ lẫn lộn giữa các dòng với nhau. Trong khi, các chú thích trong văn bản lại nhiều nên khó đọc và tất nhiên không tốt về mắt cho học trò và cả giáo viên nữa.
Tình trạng này không chỉ ở sách Ngữ văn 7 mà sách giáo khoa Ngữ văn 6 (bộ sách Chân trời sáng tạo) cũng bắt gặp những bài học có chữ nhỏ li ti như thế này.
Sách Ngữ văn 6 (Chân trời sáng tạo) cũng có một số bài học chữ quá nhỏ (Ảnh: Nguyễn Đăng) |
Phần minh họa ảnh tác giả ở một số bài viết cũng khiến chúng tôi băn khoăn vì thông thường ảnh, tiểu sử tác giả thường để ở đầu, hoặc sau khi kết thúc văn bản sẽ giúp cho học sinh dễ cảm, dễ nhìn và khi học hơn.
Ảnh, tiểu sử bài trước đứng ở đầu bài sau dễ gây hiểu lầm (Ảnh: Nguyễn Đăng) |
Nhưng, sách sách giáo khoa Ngữ văn 7 (bộ sách Chân trời sáng tạo) bố trí một số ảnh, tiểu sử tác giả rất dễ gây hiểu lầm vì nếu chưa đọc, nhìn qua cứ ngỡ những bức hình tác giả là của bài phía dưới cứ không nghĩ là của bài phía trên.
Vì một số ảnh, tiểu sử tác giả sách giáo khoa Ngữ văn 7 (bộ sách Chân trời sáng tạo) được bố trí ở cuối cùng của văn bản (sau ngữ liệu, sau các câu hỏi) mà bài học phía sau lại liền kề với hình ảnh chân dung và tiểu sử của tác giả bài học phía trên.
Ảnh, tiểu sử tác bài trước đứng ở đầu bài sau dễ gây hiểu lầm (Ảnh: Nguyễn Đăng) |
Chủ đề, văn bản đọc và phần viết chưa có sự liên kết chặt chẽ
Bài 2, sách giáo khoa Ngữ văn 7 (bộ sách Chân trời sáng tạo) có chủ đề là “Bài học cuộc sống (truyện ngụ ngôn)” và phần đọc được các tác giả sách giáo khoa bố trí một số văn bản ngụ ngôn như Ếch ngồi đáy giếng; Hai người bạn đồng hành và con gấu (Aesop); Chó sói và chiên con (La Fontaine); Chân, tay, mắt, miệng…
Thế nhưng, đến phần viết (làm văn) thì tác giả sách giáo khoa lại bố trí bài học có tên là “Viết bài văn kể lại sự việc có thật liên quan đến nhân vật lịch sử hoặc sự kiện lịch sử”. Phần hướng dẫn phân tích kiểu văn bản, tác giả sách giáo khoa lấy bài viết “Thăm đền thờ Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang”.
Đến phần nói và nghe, tác giả sách giáo khoa lại yêu cầu “Kể lại một truyện ngụ ngôn”. Nhiều giáo viên khi dạy chủ đề này chỉ biết lắc đầu và không hiểu vì sao lại có chuyện tréo ngoe đến như vậy? Liệu phần đọc - viết - nói và nghe có liên quan như thế nào mà tác giả sách giáo khoa lại xếp chúng vào một chủ đề chung?
Bản thân người viết bài này chỉ có trình độ cử nhân Ngữ văn và hiện đang dạy Ngữ văn cấp trung học cơ sở nên chỉ dám bày tỏ những băn khoăn của mình khi tiếp cận với tập I, sách giáo khoa Ngữ văn 7 (bộ sách Chân trời sáng tạo) như vậy.
Chúng tôi rất mong nhận được những chia sẻ, trao đổi thêm từ các đồng nghiệp và đặc biệt là những tác giả sách giáo khoa Ngữ văn 7 (bộ sách Chân trời sáng tạo) để giáo viên dưới cơ sở chúng tôi được tường tận hơn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
NGUYỄN ĐĂNG