Áp dụng công thức nào để tính mật độ dân số?
Căn cứ Tiểu mục 1 Mục 2 Nội dung hệ thống chỉ tiêu thông kê cấp tỉnh ban hành kèm theo Quyết định 05/2023/QĐ-TTg hướng dẫn về tính mật độ dân số như sau:
Mật độ dân số
1. Khái niệm, phương pháp tính
Mật độ dân số là số dân tính bình quân trên một kilômét vuông diện tích lãnh thổ.
Mật độ dân số được tính bằng cách chia dân số (dân số thời điểm hoặc dân số trung bình) của một vùng dân cư nhất định cho diện tích lãnh thổ của vùng đó.
Mật độ dân số của từng tỉnh nhằm phản ánh tình hình phân bố dân số theo địa lý vào một thời gian nhất định.
Công thức tính: Mật độ dân số (người/km2) = Dân số / Diện tích lãnh thổ
...
Như vậy, mật độ dân số là số dân bình quân trên một ki lô mét vuông diện tích lãnh thổ, phản ánh tình hình phân bổ dân số của một địa phương trong một khoảng thời gian nhất định. Đơn vị tính của mật độ dân số là người/km2.
Mật độ dân số được tính theo công thức sau:
Mật độ dân số (người/km2) = Dân số / Diện tích lãnh thổ
Áp dụng công thức nào để tính mật độ dân số? Mật độ dân số tại Việt Nam 2024 là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Mật độ dân số tại Việt Nam 2024 là bao nhiêu?
Tính đến ngày 26/02/2024, theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc, dân số hiện tại của Việt Nam là 99.279.508 người với tổng diện tích đất là 310.060 km2. Như vậy, mật độ dân số tại Việt Nam hiện nay là 320 người/km2.
Theo đó, dân số Việt Nam hiện đang chiếm 1,23% dân số thế giới. Ngoài ra, Việt Nam đang đứng thứ 15 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ.
Mật độ dân số tại Việt Nam có sự phân bố không đều giữa các vùng, các địa phương, tập trung cao ở các vùng thành thị như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng,... Mật độ dân số thấp tập trung ở các vùng núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Lưu ý, nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo.
Nhà nước thực hiện phân bố dân cư hợp lý như thế nào?
Căn cứ Điều 16 Pháp lệnh Dân số 2003 quy định về phân bố dân cư hợp lý như sau:
Phân bố dân cư hợp lý
1. Nhà nước thực hiện việc phân bố dân cư hợp lý giữa các khu vực, vùng địa lý kinh tế và các đơn vị hành chính bằng các chương trình, dự án khai thác tiềm năng đất đai, tài nguyên để phát huy thế mạnh của từng nơi về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh, quốc phòng.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm lập quy hoạch, kế hoạch phân bố dân cư phù hợp với các khu vực, vùng địa lý kinh tế và các đơn vị hành chính, ưu tiên đầu tư cho những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, mật độ dân số thấp nhằm tạo việc làm và điều kiện sống tốt để thu hút lao động.
Ngoài ra, căn cứ Điều 17 Pháp lệnh Dân số 2003 quy định về phân bố dân cư nông thôn như sau:
Phân bố dân cư nông thôn
1. Nhà nước thực hiện chính sách khuyến khích phát triển toàn diện nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng để hạn chế động lực di dân ra đô thị.
2. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện các chương trình, dự án cho vay vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng vùng kinh tế mới, thực hiện chính sách định canh, định cư để ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, hạn chế du canh, du cư và di cư tự phát.
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 18 Pháp lệnh Dân số 2003 quy định về phân bố dân cư đô thị như sau:
Phân bố dân cư đô thị
1. Nhà nước có chính sách và biện pháp cần thiết để hạn chế tập trung đông dân cư vào một số đô thị lớn; thực hiện việc quy hoạch phát triển đô thị, kết hợp xây dựng đô thị lớn, vừa và nhỏ, tạo điều kiện cho việc phân bố dân cư hợp lý.
2. Nhà nước có chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tại các đô thị tạo điều kiện về chỗ ở cho người lao động từ nơi khác đến.
3. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quản lý dân cư, quản lý đô thị, quản lý lao động từ nơi khác đến.
Như vậy, Nhà nước thực hiện phân bố dân cư hợp lý theo quy định như sau:
- Phân bố dân cư hợp lý bằng các chương trình, dự án khai thác tiềm năng đất đai, tài nguyên để phát huy thế mạnh của từng nơi về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh, quốc phòng;
- Lập quy hoạch, kế hoạch phân bố dân cư phù hợp với các khu vực, vùng địa lý kinh tế và các đơn vị hành chính, ưu tiên đầu tư cho những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, mật độ dân số thấp nhằm tạo việc làm và điều kiện sống tốt để thu hút lao động;
- Đối với nông thôn:
+ Thực hiện chính sách khuyến khích phát triển toàn diện nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng để hạn chế động lực di dân ra đô thị;
+ UBND các cấp có trách nhiệm thực hiện các chương trình, dự án cho vay vốn, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng vùng kinh tế mới, thực hiện chính sách định canh, định cư để ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, hạn chế du canh, du cư và di cư tự phát.
- Đối với đô thị:
+ Xây dựng chính sách và biện pháp cần thiết để hạn chế tập trung đông dân cư vào một số đô thị lớn;
+ Thực hiện việc quy hoạch phát triển đô thị, kết hợp xây dựng đô thị lớn, vừa và nhỏ;
+ Xây dựng chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tại các đô thị tạo điều kiện về chỗ ở cho người lao động từ nơi khác đến;
+ UBND các cấp có trách nhiệm quản lý dân cư, quản lý đô thị, quản lý lao động từ nơi khác đến.
Trân trọng!