Rất tiếc là một số tài liệu tiếng Việt đã giải thích chưa chính xác về từ vựng và nguồn gốc của thành ngữ này.
Có tài liệu giải thích rằng thanh mai (青梅) là mai xanh. Điều này khiến người đọc nghĩ “mai” là cây hoa mai ở VN, tương tự như mai vàng, mai tứ quý, mai chiếu thủy… (thuộc chi Ochna, rightia…). Chính xác thì “thanh mai” cần được hiểu là “mơ xanh” thuộc chi Prunus (chi Mận mơ).
Ở Trung Quốc, cây mơ (Prunus mume) có màu trắng, đỏ, hồng, tía và lục nhạt… Loại màu trắng gọi là “lục ngạc mai” (綠萼梅). Trong Hồng Lâu Mộng có câu “Bạch mai lãn phú phú hồng mai” (白梅懶賦賦紅梅): Hoa mơ trắng biếng vịnh (lại) vịnh hoa mơ đỏ. Còn có những loài màu xanh gọi là thanh mai (青梅), đặc biệt là các loài thuộc chi Vatica, ví dụ như Quảng Tây thanh mai (Vatica guangxiensis), Bản nạp thanh mai (Vatica xishuangbannaensis)…
Nhìn chung, từ 梅 (méi) phiên âm Hán Việt là “mai”, song cần hiểu là nói về cây mơ ở Trung Quốc và VN (phân bố nhiều nơi ở miền Bắc).
Trong Hán ngữ, xét về đại từ tham chiếu thì thanh mai dùng để chỉ bé gái (Thanh mai đại chỉ nữ hài/青梅代指女孩). Trúc mã (竹馬) là ngựa giả, ngựa đồ chơi làm bằng tre, trúc.
Bài Trường Can hành của Lý Bạch nói về đôi trai gái quen nhau từ thuở còn thơ, năm 14 tuổi cô gái lấy chàng trai này làm chồng. Năm 16 tuổi, người vợ trẻ nhớ chồng đang ở xa nên từ làng Trường Can nàng đi đến Trường Phong Sa đón chồng. Bài này có những câu hồi tưởng thời trẻ con, liên quan với thành ngữ Thanh mai trúc mã: “Lang kỵ trúc mã lai, Nhiễu sàng lộng thanh mai, Đồng cư Trường Can lí, Lưỡng tiểu vô hiềm sai” (Chàng cưỡi ngựa tre đến, Đi quanh sàn giếng hái mơ xanh, Cùng sống ở làng Trường Can, Hai đứa còn ngây thơ). Có người dịch chữ sàng (床) là “cái giường”. Điều này không chính xác, bởi vì sàng (床) là cái sàn bắc trên giếng để đỡ cái con quay kéo nước.