I. Dân số

Dân số là tập hợp người sinh sống trong một quốc gia, khu vực, vùng địa lý kinh tế hoặc một đơn vị hành chính.

Trong thống kê, dân số được thu thập theo khái niệm nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ, là những người thực tế thường xuyên ăn, ở tại hộ tính đến thời điểm điều tra đã được 6 tháng trở lên, trẻ em mới sinh trước thời điểm điều tra và những người mới chuyển đến sẽ ở ổn định tại hộ, không phân biệt có hay không có hộ khẩu thường trú tại xã, phường, thị trấn đang ở và những người tạm vắng. Nhân khẩu thực tế thường trú tại hộ gồm:

– Người thực tế thường xuyên ăn, ở tại hộ tính đến thời điểm thống kê đã được 6 tháng trở lên.

– Người mới chuyển đến chưa được 6 tháng nhưng xác định sẽ ăn, ở ổn định tại hộ và những trẻ em mới sinh trước thời điểm thống kê; không phân biệt họ đã có hay không có giấy tờ pháp lý chứng nhận sự di chuyển đó.

– Người tạm vắng gồm người rời hộ đi làm ăn ở nơi khác chưa được 6 tháng tính đến thời điểm thống kê; người đang làm việc hoặc học tập trong nước trong thời hạn 6 tháng; người đang đi thăm, đi chơi nhà người thân, đi nghỉ hè, nghỉ lễ, đi du lịch, sẽ quay trở lại hộ; người đi công tác, đi đánh bắt hải sản, đi tàu viễn dương, đi buôn chuyến; người được cơ quan có thẩm quyền cho phép đi làm việc, công tác, học tập, chữa bệnh, du lịch ở nước ngoài, tính đến thời điểm thống kê họ vẫn còn ở nước ngoài trong thời hạn được cấp phép; người đang chữa bệnh nội trú tại các cơ sở y tế; người đang bị ngành quân đội, công an tạm giữ.

Chỉ tiêu dân số được chi tiết thành một số chỉ tiêu cơ bản như sau:

1. Dân số thời điểm

1.1. Khái niệm, phương pháp tính

Dân số thời điểm là dân số tại một thời điểm cụ thể.

1.2. Phân tổ chủ yếu

– Giới tính;

– Dân tộc;

– Tôn giáo;

– Nhóm tuổi;

– Tình trạng hôn nhân;

– Trình độ học vấn;

– Trình độ chuyên môn kỹ thuật;

– Thành thị/nông thôn;

– Huyện/quận/thị xã/thành phố.

1.3. Kỳ công bố

– Kỳ công bố năm: Phân tổ giới tính, thành thị/nông thôn;

– Kỳ công bố 5 năm: Phân tổ dân tộc, tôn giáo, nhóm tuổi, tình trạng hôn nhân, trình độ học vấn, huyện/quận/thị xã/thành phố.

1.4. Nguồn số liệu

– Tổng điều tra dân số và nhà ở;

– Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ;

– Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình;

– Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

1.5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

– Chủ trì: Tổng cục Thống kê; Cục Thống kê;

– Phối hợp: Công an tỉnh cung cấp số liệu về dân cư từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong phạm vi quản lý.

2. Dân số trung bình

2.1. Khái niệm, phương pháp tính

Dân số trung bình là số lượng dân số tính bình quân cho cả một thời kỳ.

Công thức tính:

– Nếu chỉ có số liệu tại hai thời điểm (đầu và cuối của thời kỳ ngắn, thường là một năm), sử dụng công thức:

Trong đó:

Ptb : Dân số trung bình;

P0 : Dân số đầu kỳ;

P1 : Dân số cuối kỳ.

+ Nếu có số liệu tại nhiều thời điểm cách đều nhau thì sử dụng công thức:

Ptb = P0
+ P1 + …. + Pn-1 + Pn

2

2


n

Trong đó:

Ptb         : Dân số trung bình;

P0,1,…,n : Dân số ở các thời điểm 0, 1,…, n;

n           : Số thời điểm cách đều nhau.

+ Nếu có số liệu tại nhiều thời điểm không cách đều nhau, sử dụng công thức:

Ptb

= Ptb1t1 + Ptb2t2 + …. + Ptbntn

∑ti

Trong đó:

Ptb1 : Dân số trung bình của khoảng thời gian thứ nhất;

Ptb2 : Dân số trung bình của khoảng thời gian thứ 2;

Ptbn : Dân số trung bình của khoảng thời gian thứ n;

ti     :  Độ dài của khoảng thời gian thứ i.

2.2. Phân tổ chủ yếu

Giới tính;

– Thành thị/nông thôn;

– Huyện/quận/thị xã/thành phố.

2.3. Kỳ công bố: Năm.

2.4. Nguồn số liệu

– Tổng điều tra dân số và nhà ở;

– Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ;

– Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình;

– Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Số lượng dân số hàng năm được tính dựa trên cơ sở số liệu dân số gốc thu thập qua tổng điều tra dân số gần nhất và các biến động dân số (sinh, chết, xuất cư và nhập cư) theo phương trình cân bằng dân số. Các biến động dân số được tính từ các tỷ suất nhân khẩu học (các tỷ suất sinh, chết, xuất cư và nhập cư) thu được qua các cuộc điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình hoặc tổng điều tra dân số và nhà ở; số liệu về dân số thường trú, tạm trú, tạm vắng từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2.5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp

– Chủ trì:

+ Tổng cục Thống kê: Thu thập tổng hợp các chỉ tiêu dân số trung bình với phân tổ giới tính, thành thị/ nông thôn;

+ Cục Thống kê: Tổng hợp và tính toán các chỉ tiêu dân số trung bình với phân tổ huyện/quận/thị xã/thành phố;

– Phối hợp: Công an cấp tỉnh cung cấp số liệu về dân cư từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong phạm vi quản lý.

3. Quy định đối với phân tổ của chỉ tiêu dân số

3.1. Tuổi

Tuổi là khoảng thời gian sống của một người tính từ ngày sinh đến một thời điểm nhất định. Trong thống kê dân số, tuổi được tính bằng số năm tròn (không kể số ngày, tháng lẻ) và thường được gọi là tuổi tròn.

Tuổi tròn được xác định như sau:

Nếu tháng sinh nhỏ hơn (xảy ra trước) tháng điều tra:

Tuổi tròn = Năm điều tra – Năm sinh

Nếu tháng sinh lớn hơn (sau) hoặc trùng tháng điều tra:

Tuổi tròn = Năm điều tra – Năm sinh – 1

3.2. Tình trạng hôn nhân

Tình trạng hôn nhân được xác định như sau:

– Chưa vợ/chồng, hay chưa bao giờ kết hôn: Là tình trạng của một người chưa từng lấy vợ/chồng hoặc chưa từng chung sống với một người khác giới như vợ/chồng.

– Có vợ/chồng: Là tình trạng của một người hiện đang được luật pháp hoặc phong tục, tập quán của địa phương thừa nhận là có vợ/chồng hoặc đang chung sống với người khác giới như vợ/chồng.

– Goá: Là tình trạng của một người có vợ/chồng đã chết và hiện tại chưa tái hôn.

– Ly hôn: Là tình trạng của một người đã từng có vợ/chồng nhưng hiện tại đã ly hôn (đã được tòa án phán quyết) và hiện tại chưa tái kết hôn.

– Ly thân: Là tình trạng của một người trên pháp lý hoặc phong tục, tập quán của địa phương thừa nhận họ vẫn đang có vợ/chồng tuy nhiên hiện tại họ không sống với vợ/chồng như vợ chồng.

Lưu ý: Việc quy định tình trạng hôn nhân theo cách trên áp dụng đối với nguồn thông tin từ các cuộc điều tra và chỉ phục vụ mục đích thống kê, không phải là căn cứ pháp lý để xác định tình trạng hôn nhân của một người theo quy định của pháp luật.

3.3. Trình độ học vấn/trình độ chuyên môn kỹ thuật

Trình độ học vấn/trình độ chuyên môn kỹ thuật đã đạt được của một người là lớp học cao nhất đã hoàn thành trong hệ thống giáo dục quốc dân mà người đó đã theo học.

Theo Luật Giáo dục, hệ thống giáo dục quốc dân gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, gồm: Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Các khái niệm chủ yếu thường được sử dụng khi thu thập số liệu về trình độ học vấn của dân số như sau:

– Tình trạng đi học là hiện trạng của một người đang theo học tại một cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân được Nhà nước công nhận, như các trường/lớp mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, các trường/lớp dạy nghề và các trường chuyên nghiệp từ bậc trung học chuyên nghiệp trở lên thuộc các loại hình giáo dục – đào tạo khác nhau để nhận được kiến thức học vấn phổ thông hoặc kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ một cách có hệ thống.

– Biết đọc, biết viết là khả năng của một người có thể đọc, viết và hiểu đầy đủ những câu đơn giản bằng chữ quốc ngữ, chữ dân tộc hoặc chữ nước ngoài.

– Trình độ học vấn/trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất đã đạt được gồm:

+ Học vấn phổ thông: Đối với những người đã thôi học, là lớp phổ thông cao nhất đã học xong; đối với người đang đi học, là lớp phổ thông trước đó mà họ đã học xong (= lớp đang học – 1);

+ Giáo dục nghề nghiệp gồm những người đã tốt nghiệp các trường sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;

+ Trung cấp là những người đã tốt nghiệp bậc trung cấp;

+ Cao đẳng là những người đã tốt nghiệp cao đẳng;

+ Đại học là những người đã tốt nghiệp đại học;

+ Trên đại học là những người đã tốt nghiệp thạc sỹ, tiến sỹ.

Phân tổ chủ yếu:

– Tình trạng đi học (đang đi học/đã thôi học/chưa bao giờ đi học);

– Tình trạng biết đọc, biết viết (có/không biết đọc, biết viết);

– Trình độ học vấn cao nhất (chưa tốt nghiệp tiểu học/tốt nghiệp tiểu học/tốt nghiệp trung học cơ sở/tốt nghiệp trung học phổ thông/tốt nghiệp sơ cấp/tốt nghiệp trung cấp/tốt nghiệp cao đẳng/tốt nghiệp đại học/thạc sỹ/tiến sỹ);

– Trình độ chuyên môn kỹ thuật (không có trình độ chuyên môn kỹ thuật/sơ cấp/trung cấp/cao đẳng/đại học/sau đại học).

3.4. Tôn giáo

Trong điều tra thống kê, tôn giáo được hiểu là:

– Người có niềm tin hoặc tín ngưỡng vào một giáo lý tôn giáo nhất định;

– Người đã gia nhập tín đồ của một tôn giáo.

II. Mật độ dân số

1. Khái niệm, phương pháp tính

Mật độ dân số là số dân tính bình quân trên một kilômét vuông diện tích lãnh thổ.

Mật độ dân số được tính bằng cách chia dân số (dân số thời điểm hoặc dân số trung bình) của một vùng dân cư nhất định cho diện tích lãnh thổ của vùng đó.

Mật độ dân số của từng tỉnh nhằm phản ánh tình hình phân bố dân số theo địa lý vào một thời gian nhất định.

Công thức tính:

Mật độ dân số (người/km2)

=  Dân số

 Diện tích lãnh thổ

2. Phân tổ chủ yếu: Huyện/quận/thị xã/thành phố.

3. Kỳ công bố: Năm.

4. Nguồn số liệu

– Tổng điều tra dân số và nhà ở;

– Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ;

– Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình;

– Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

– Dữ liệu hành chính.

5. Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Tổng cục Thống kê; Cục Thống kê.